BA NGƯỜI LÍNH

 

(Xem Ba Người Lính từ Trang Đầu Tiên trong Mục Sách Dịch)       

Kỳ 10 (PST 66)

 

 

Winfred Brandon
We Know These Men

 

Mấy tuần sau anh tìm việc mà chỉ hoài công. Anh không thối chí, nhưng tiền cạn dần và bắt đầu tự hỏi phải nhờ ai giúp. Anh đã xài số tiền dành dụm nhỏ nhoi của mình một cách rộng rãi, đầu tiên là mua quà và đãi Molly. Tối đến khi cả hai vào nhà hàng hoặc đi xem phim, cô thấy anh chán nản phờ phạc ra sao.
Chuyện anh thích nhất là những lần hai người ngồi trong công viên, và trong bóng cây anh có thể ngồi gần cô. Những lời thủ thỉ êm ái của Molly và đôi mắt sáng rỡ của cô, tràn ngập tình thương - những điều ấy cho anh can đảm để hôm sau đi tìm việc.
Cuối cùng anh bắt buộc phải nhìn nhận rằng mình thua cuộc. Không có việc làm nào cho anh và anh nên chấp nhận nó thì hơn.
Hanson ! Brainard ! Cummings ! Potter ! Đó là những kẻ may mắn. Ai tòng chinh và trở về với thương tật thì còn tệ hơn là chết trận !

 

CHƯƠNG  XXXII

Chỉ làm kẻ bàng quang, nhìn ngắm người sống hưởng thụ các việc ăn chơi mà anh trước đây được hưởng thỏa thích, làm Hanson chẳng bao lâu hết hứng thú. Anh cũng chán luôn việc đám cô hồn đồng tâm tính với anh khi trước chào đón anh hớn hở, nay không còn nồng nhiệt với anh nữa. Sau khi nghe anh kể tới lui có bấy nhiêu chuyện và biết trước chuyện tiếu lâm mà anh sẽ thuật, họ chẳng thèm để ý gì thêm tới anh.
Cảnh sống của họ là kể lại kinh nghiệm của mình cũng như là để ý tới ai mới qua đời sang đây, những người có chuyện mới mẻ có thể làm họ thích thú. Bởi không thể vượt lên trên ký ức của kiếp thấp kém vừa rồi, họ không đủ sức tập trung tư tưởng vào chuyện gì khác cao hơn. Họ hiện hữu và chỉ có vậy. Thỉnh thoảng có trường hợp ai đó tỉnh ngộ, nhưng đó là ngoại lệ hiếm có. Mấy ông thầy và giảng sư cho họ nhiều cơ hội, giải thích cách để tiến bộ, nhưng bắt trí óc làm việc như vậy vượt quá sức những linh hồn này.
Một hôm Hanson quyết định thử đi tìm bệnh viện mà Rosenberg hẳn bây giờ đang ở trong đó. Anh nghi ngại là có thể không tìm ra, nhưng hỏi quanh trong nhóm linh hồn có vẻ khá hơn đám mà anh vẫn bầu bạn lúc gần đây. Họ cho anh hay thương binh được mang về bệnh viện ở vùng Đông. Thế nên Hanson, do quen thuộc với nơi này, tìm được chỗ ấy.
Anh tò mò muốn biết chuyện gì xẩy ra cho Rosenberg. Anh đã thấy anh chàng nhỏ con trên tầu, nhưng không biết Rosenberg có bệnh chi. Trong chuyến hải hành Rosenberg yên lặng quá nên Hanson kết luận là hẳn anh chàng phải bị thương nặng lắm, tuy không thấy có băng bó gì trên người.
Hanson thấy chán với cảnh đời của linh hồn và tự hỏi làm sao để có thể sống sôi động hơn. Điều anh ham muốn hơn hết là thực phẩm; đó là đam mê hàng đầu của anh và là mục đích trong đời. Khẩu phần của lính thua xa tiêu chuẩn của anh, nhưng nay hoàn toàn anh không còn hưởng được thú vui của thần khẩu nữa. Anh cảm thấy phải tìm một cách để giải quyết việc ấy. Sống mà không ăn thì chẳng đáng sống.
Ấy là tư tưởng của Hanson trên đường tới bệnh viện mà anh muốn tìm. Khi đi qua hành lang và các khu anh thấy các thương binh, từng là trai trẻ sung sức cường tráng, những nam nhi anh tuấn nhất mà đất nước đã sinh ra. Cảnh tượng không làm anh xúc động mảy may. Anh đã thấy cảnh tệ hơn nhiều ngoài chiến trường, và anh không phải là người tội nghiệp kẻ khác khi họ gặp chuyện bất hạnh.
Anh không thấy ai quen biết và tính bỏ đi thì bắt gặp Rosenberg ngồi cạnh cửa sổ trong một khu.
Hanson tiến lại gần, và để ý thấy làm như Rosenberg đang lầm thầm nói chuyện một mình. Hóa ra đó là bệnh của anh chàng ! Thánh thần ơi ! Vầy là chết một cửa tứ ! Bồ ruột của anh ngồi đây nói lảm nhảm, bị đời gạt sang bên rồi. Coi nào, để xem anh có thể nói chuyện với hắn được không. Cho tới nay anh chưa có thể khiến được ai còn sống nghe anh nói, nhưng cứ thử lần nữa xem sao.
Khi Hanson đi lại gần và bắt đầu nói, anh có thể thấy là Rosenberg làm như lắng nghe, vì hắn ngưng lẩm bẩm và ngồi yên, với vẻ mặt có vẻ như đang nghe gì đó. Hanson lại gần sát và gọi tên anh ta. Mặt anh chàng Rosenberg tội nghiệp sáng rỡ lên. Hanson lập lại tên hắn. Rosenberg đứng dậy và nhìn quanh quất như thể muốn tìm ai đang gọi tên mình. 
– Không, không, ngồi xuống đi. Tao ở đây, ngay trước mặt mày.
Rosenberg ngồi xuống nữa và làm như nhìn vào Hanson; môi anh mấp máy nhưng không có âm nào phát ra.
– Coi nè, Rosenberg, tao là Hanson, bồ ruột hồi xưa của mày. Tao chết rồi, nhưng làm như ở đây cái chết không giết được mình. Nó chỉ khiến mình thành hồn ma thôi.
Anh tin chắc là Rosenberg thấy được anh; vì trong một chốc mặt hắn lộ vẻ hiểu ra và hắn thì thào:
– Hanson, tôi nghe anh gọi tôi.
– Phải rồi, tao đang gọi mày. Tao đến thăm mày đây.
Nhưng làm như có mây che và  trí não Rosenberg bị mờ mịt trở lại và anh không còn biết là có Hanson ở đó nữa.
Trong phòng này có nhiều trường hợp bị chấn động tâm thần và nay Hanson thấy rằng đây là khu bệnh lẫn trí. Vài người giống như Rosenberg, ngồi yên lặng một mình và không gây phiền nhiễu gì. Người khác thì lẩm bẩm một mình như con nít. Có người bị kinh sợ rất mực, mặt đầy vẻ hãi hùng. Những chuyện họ đã chứng kiến gây ấn tượng mạnh mẽ vào trí não, khiến họ vẫn như còn thấy bao cảnh ghê rợn của bãi chiến trường xưa.
Khi Hanson đi quanh khu dòm ngó xong rồi, anh quay lại Rosenberg, thấy hắn lại trò chuyện lặng lẽ với mình:
– Sao ông đưa tôi trở ra phòng tuyến đánh trận tiếp ? Tôi là người Do Thái, tôi không ghét người Đức, họ chưa hề làm hại gì tôi. Ba tôi là người Đức gốc Do Thái. Chúng tôi đến Hoa Kỳ vì có đủ loại người sinh sống ở đó. Đừng đưa tôi ra mặt trận trở lại. Tôi không biết giết người. Ông có thể thấy tôi là người Do Thái. Chúng tôi không phải là dân võ biền. Xin cho tôi ở lại đây. Tôi sẽ yên lặng. Tôi không gây chuyện gì đâu ... Bác sĩ, ông thấy tôi bệnh ra sao mà. Tôi bệnh vì ông muốn đưa tôi ra mặt trận trở lại ... Tôi là người Do Thái, bác sĩ. Nó có nghĩa tôi không hề được luyện để giết người ... Ông làm ơn cho tôi ở lại đây được không ? Tôi sẽ nằm yên để không ai biết là có tôi ở đây. Tôi sẽ không nói chuyện với ai. Tôi chỉ nằm thật im và được an toàn ở đây. Xin ông ! Tôi van nài ông ! Xin cho tôi ở lại đây - làm ơn đi !
Và cứ như thế lập đi lập lại mãi, Rosenberg sống lại những giờ phút anh van xin để được ở lại sau phòng tuyến. Hanson lắng nghe lời thì thầm liên tục, lẩm bẩm, và xen vào nói với Rosenberg khi có chỗ ngưng.
– Rosenberg ! Tao nè. Hanson đây. Ngậm miệng lại và nghe cái coi. Tao biểu mày im đi.
Tiếng thì thào ngưng bặt và lệ dâng lên trong đôi mắt đen.
– Anh bạn thân của tôi, Hanson. Anh ta chết rồi. Anh ta không thể giúp tôi được nữa. Anh ta chết mất biệt rồi. Tôi không bao giờ còn thấy được anh nữa ... Bác sĩ, ông không thể để tôi ở lại đây được sao ?
Và chuyện bắt đầu trở lại như cũ. Hanson không còn kiên nhẫn được nữa.
Lúc này là khoảng giữa trưa và bệnh nhân được mang đi ăn trưa ở phòng cạnh khu của họ. Cảnh tượng thức ăn trên bàn làm Hanson vui thích.
Các bệnh nhân ngồi trên băng hai bên bàn, khởi sự ăn một cách máy móc. Rosenberg ngồi gần cuối chiếc bàn dài.
Rồi Hanson nẩy ra ý thử nhập vào bên trong thân xác của Rosenberg. Anh đã thấy chuyện như vậy làm ở bờ sông. Vong linh nào thèm rượu chỉ việc đi thẳng vào thân xác của người sống nào sắp uống rượu, và sau một lát vong linh hiện ra trở lại, nói đã thưởng thức được ly rượu. Bây giờ, nếu anh có thể làm được như vậy, hẳn anh sẽ hưởng được đĩa thức ăn ngon lành đầy nhóc mà Rosenberg không thèm đụng đũa.
Hanson bắt đầu nghĩ về mình như là Rosenberg, tạo hình của anh ta trong trí mình và tưởng tượng mình có cùng tầm vóc như anh chàng nhỏ con. Khi tập như vậy vài lần, có vẻ như anh có thể thu nhỏ người lại cũng như anh cảm thấy mình Rosenberg. Đột nhiên anh thấy mình ở trong thân xác của Rosenberg, và có khả năng đi lại, nói, ăn.
Khi sự hứng chí với kinh nghiệm này dịu xuống, anh bắt đầu nhồi nhét thức ăn vào miệng. Ngon biết chừng nào ! Anh không chê bai thực đơn mà giờ chép miệng và liếm môi tỏ ý hài lòng. Những người gần anh không chú ý chi. Tuy nhiên mấy người hầu bàn nhìn anh kinh ngạc. Đây là thay đổi bất ngờ cho anh chàng nhỏ con thường chỉ ăn cầm hơi để sống mà thôi. Vài người cùng bàn chưa lú lẫn tâm trí đến mức không còn thiết đến chuyện gì, cuối cùng bàn tán về sự thay đổi này, và nhìn anh ngấu nghiến ăn lấy ăn để.
Nhân viên phục vụ thuật cho điều dưỡng viên về việc thay đổi kỳ lạ ấy, và tới phiên người sau báo lại với bác sĩ. Các bác sĩ xem đây là triệu chứng tốt lành, tuy nhiên tình trạng cải thiện của Rosenberg có những nét làm họ thắc mắc. Anh không còn ngồi lì hằng giờ, thì thầm nói chuyện một mình nữa, mà nay ồn ào, văng tục, và có lúc lại đi tới gặp người khác kể chuyện tiếu lâm thô bỉ.
Rosenberg không bao giờ bình phục lại như trước nữa, và từ trường hợp là người bị 'chấn động' mạnh, anh trở thành một trong những ca bí ẩn làm bác sĩ và điều dưỡng viên rối mù.  Anh có vẻ như thành đối nghịch lại mọi chuyện của mình trước kia. Mỗi khi các chị và bạn bè của anh đến thăm, anh thường tỏ ra thô lỗ, nói chuyện tục tằn làm họ kinh hoảng bỏ ra về không dám thăm lâu.
Hanson hứng chí với tất cả mọi điều này. Giờ anh có thân xác của thằng bạn thân để sử dụng theo ý mình và bất cứ khi nào anh muốn. Phải chi anh có thể ra khỏi bệnh viện đi chơi thì còn vui hơn nữa. Mà anh cũng tiếc nhớ cảm giác có thân hình vạm vỡ khi xưa, cao lớn, sức mạnh cuồn cuộn. Mang lấy thân xác nhỏ bé này thiệt là không xứng với anh. Dầu vậy nó là xác thịt với máu nóng và anh sẽ sử dụng cơ hội tối đa.
Rosenberg không còn là bệnh nhân cú rũ phờ phạc như trước. Từ khi bắt đầu ăn vô hồi kỳ trận, Rosenberg thành anh chàng nhỏ con mập ú. Hanson, mỗi khi đứng bên ngoài thân xác của thằng bồ ruột, lấy làm ngộ nghĩnh khi nhìn thấy sự thay đổi ấy. Anh thường rời Rosenberg lúc ban đêm, đi gặp những vong hồn quen biết cũ, vui thích kể cho họ nghe về chuyện này. Những vong linh ấy đã quen với việc ám nhập nên không thấy có gì đáng nể. Các bác sĩ xem Rosenberg là bệnh nhân rất đáng 'chú ý', và viết bài tường trình dài về trường hợp kỳ lạ của binh nhì Morris Rosenberg.   

 

Chương XXXIII

Chiến tranh đã chấm dứt. Tất cả linh hồn của những tử sĩ thuộc Lực Lượng Hoa Kỳ tại Âu Châu, cũng như những linh hồn tiếp dẫn họ, nay đã trở về, luôn cả các thương binh.
Quân sĩ nào còn mạnh khỏe lành lặn được tầu mang về nước mau lẹ khi có dịp, trong đám này có Chris Goerstch. Anh xong trận với cơ thể toàn vẹn không chút sứt mẻ gì, y như anh vẫn thường tin tưởng. Nghĩa là, thân xác đầy đủ tay chân. Anh không có thương tích nào hoặc bị chấn động tâm thần, và còn có thành tích tốt đẹp. Cấp trên ghi nhận là anh đã mang bạn đồng ngũ Flanagan bị thương ra khỏi chiến trường lửa đạn vèo vèo trở về, bắt được nhiều tù binh, và chứng tỏ tài năng của mình khi phải cận chiến.
Ngày hồi hương Goerstch thấy mình là kẻ chiến thắng đích thực. Người ta chụp hình anh, ký giả phỏng vấn và về sau anh được trao tặng huân chương. Nguyên một tuần như vậy anh được khen ngợi rồi mất dạng không chút tăm hơi. Kế, anh vui chơi thỏa thích trong một chốc, đi coi ca nhạc, nhẩy đầm ở phòng trà.
Anh ngạc nhiên thấy các cô gái không còn quấn quít với binh sĩ như hồi trước khi anh lên tầu đi xa tham chiến. Anh cũng ngạc nhiên thấy cách mà đàn ông và đàn bà trên đường phố nhìn quân phục của anh với vẻ lãnh đạm dửng dưng. Điều gì đã làm mọi người thay đổi như thế ? Anh bị chấn động và tức giận với điều có vẻ như phản bội ấy.
Sau khi về nhà được khoảng một tháng, cuộc chiến bắt đầu phai mờ trong trí não anh cho tới khi nó thành chuyện mộng mơ xa vắng, về một thời mà cuộc sống hóa sôi nổi và hào hứng; với tiếng gào thét và tiếng nổ long trời lở đất của súng đạn, cộng thêm tiếng bom rơi làm máu anh chẩy lẹ làng hơn, và làm mọi quan năng của anh bén nhậy. Nay chỉ còn những việc như tìm đào và đi coi hát; so ra không là cái thá gì với cuộc chiến mà anh có dự phần. Sống vậy đâu có vui !
Khi suy tính về tương lai của mình, anh quyết định sẽ không bao giờ làm nghề đi giao sữa nữa. Đó việc cho ai không tìm ra được gì khá hơn. Nay anh là con cưng của ba mẹ và là thần tượng của các em trai, gái trong nhà, nên anh không phải lo về ngày mai; anh luôn luôn có thể tiếp tục ở nhà với ba má, nhưng không muốn vậy. Điều anh muốn là có được chuyện làm khiến đời hào hứng.
Mãi rồi Goerstch thấy được cơ hội. Anh gia nhập một nhóm người làm giầu bằng cách đem rượu về bán ở miền quê bất chấp có luật cấm. Chris tìm ra đúng nghề của mình. Nó có sự mạo hiểm, có hào hứng; và cũng hái ra bạc so với lương binh nhì hoặc đi giao sữa. Việc 'chạy rượu' như tiếng lóng gọi nghề này, cho anh đúng sự hồi hộp mà anh mong muốn. Gia đình của anh là những người cần cù làm ăn lương thiện, không hề biết việc anh làm. Anh vắng mặt lâu ngày, và khi có nhà thì tìm cách gạt đi những thắc mắc về việc của anh. Dầu vậy, có nét bí ẩn bao quanh nó.
Sau một thời gian, ngay cả Goerstch cũng đâm chán với công việc. Anh tự nghĩ đây không phải là trò làm giầu được. Anh chỉ là người làm công mà chủ nhân mới là người được giầu sụ. Anh lăn lóc quá nhiều nên không có chút ảo tưởng gì về việc sống nghèo khó mà lương thiện. Anh muốn được giầu sang, có tiền để vung cho đàn bà mà phải có nhiều tiền mới chiếm được, để chơi bài. Anh muốn có y phục đẹp đẽ, và biết là mình có vóc dáng nổi bật khi mặc y phục cắt khéo. Anh thèm muốn có xe hơi hạng sang, đi du lịch những nơi thấy trong phim chiếu ở rạp.
Về sau, khi giao du với những kẻ tương tự, anh dễ dàng được khuyến dụ để nhập bọn với họ. Anh biết có rủi ro lớn để bị bắt và vào tù, nhưng anh tin chắc là mình sẽ không bao giờ bị bắt và sẽ có được cuộc đời mơ ước, y như hồi ở Pháp.
Ấy là những ngày vừa sau cuộc chiến, khi một số binh lính hồi hương trở nên dạn dầy vì đã quen với chiến trận nguy hiểm, với mạng sống bị coi rẻ, nay sẵn lòng làm chuyện phạm pháp.
Goerstch và đồng bọn của mình thành công với nhiều vụ đánh cướp và trộm tiền lương. Họ hạ sát vài người, gây thương tật cho những người khác trong các vụ ăn hàng ấy. Có nhiều lần cảnh sát có mòi bắt được Chris, nhưng may mắn làm sao anh luôn luôn thoát nạn. Điều ấy càng làm anh tin tưởng mạnh thêm vào khả năng tránh né của mình.
Sau một số vụ cướp như thế, anh có được một số tiền kha khá nhưng không biết làm sao tiêu xài nó. Lúc này không đem bỏ ngân hàng được, mà vung tay xài lớn sẽ làm cho anh bị chú ý.
Một thời gian sau những vụ táo bạo này, anh chợt nẩy ý đi tìm hai bạn đồng đội trong đơn vị cũ còn sống sót. Anh ít khi nghĩ đến họ, nhưng lúc này không có gì làm và có nhiều thì giờ rảnh rỗi, anh quyết định tìm xem Rosenberg và Flanagan nay ra sao. Khi dò hỏi tin tức hai người, anh ngạc nhiên khám phá là Rosenberg bị chấn động tới mức có bệnh tâm thần vĩnh viễn. Thôi, anh không hứng thú đi thăm người có đầu óc lẩn thẩn, tuy mai mốt có lẽ anh sẽ ghé qua xem chàng ta mạnh giỏi thế nào.
Một hôm, vừa xong ván bi da và từ tiệm ra đường, anh bắt gặp Flanagan đang khập khiễng chống nạng đi. Anh chàng không còn mặc quân phục và quần áo anh trông tồi tàn. Chris kêu bạn. Flanagan kinh ngạc với vẻ sung túc của bạn đồng ngũ cũ và nở nụ cười khô khan, bí ẩn của mình. Họ đứng lại chuyện trò một chốc, hỏi thăm nhau.
– Bây giờ anh làm gì, Flanagan ?
– Tôi đang tìm việc. Việc gì mà tôi có thể ngồi làm.
– Có triển vọng gì không ?
– Chưa thấy gì.
– Anh gặp vận xui thiệt đó.
– Thấy giống vậy.
– Tôi giúp gì được cho anh không ?
– Nếu anh biết có chỗ nào cần người để tôi tới nộp đơn.
–  Tôi không biết, nhưng tôi có thể tặng anh chút đỉnh.
Flanagan đỏ mặt.
– Chưa có việc thì tôi không thể trả nợ được đâu.
– Lo gì. Tôi không thiếu tiền đâu. Này, cầm lấy.
Goerstch móc ra một cuộn giấy bạc và nhét mấy tờ vào tay Flanagan. Xong anh nhoẻn cười, đưa tay chạm vành mũ để chào như khi còn trong lính và quay lưng.
– Đi nhé. Đừng bận tâm chi.
Mắt Flanagan ứa lệ. Đây là người mà anh không hề trông mong là sẽ giúp mình. Anh tự trách là đã nhiều lần rủa Goerstch là thằng cà chớn. Vậy mà Goerstch là kẻ đã vác anh về trên chiến địa, và nay lại cứu anh thêm lần thứ hai. Molly sẽ gặp anh lát nữa đây khi tan sở. Bây giờ, chót hết anh có chút tin vui cho nàng. Anh bị ê chề quá tới nỗi số tiền này, chính ra là tiền bố thí, lại có vẻ như tự tay ông Trời thương tình ban cho anh. Anh có thể đưa Molly và anh đi ăn bữa tối ngon lành chiều nay.
Tối hôm ấy Molly rất lặng lẽ. Nay cô biết chuyện anh có việc làm là vô phương. Họ chỉ còn một cách thôi – thành hôn và mướn một căn phòng cho mình, gánh nặng sẽ là về phần cô. Liệu anh có thuận làm thế không ?
Phải chi anh đừng quá sĩ diện như thế ! Nhưng anh luôn muốn đóng vai trò nam nhi trong bất cứ chuyện gì, người rất là đàng hoàng, tư cách rất mực. Molly tin chắc anh là người duy nhất có những đức tánh ấy được trọn vẹn. Cô không phân tích và xếp loại đức tính của anh theo cách ấy – nó nằm ngoài khả năng của cô – nhưng cô cảm biết anh có những điều ấy. Tình thương của cô hóa mạnh hơn sau khi tuần rồi tháng làm lộ ra sự can đảm khi anh tranh đấu vô vọng.
Flanagan không hề than thân trách phận; anh không than van, tin rồi ra anh sẽ tìm được một lối thoát. Nếu sau chót anh có thể làm cho hai người được hạnh phúc thì đáng công cho Molly.
Khi tới lúc chia tay nhau, Molly đứng trong khung cửa và nhìn vào gương mặt ốm, gầy gò của anh, ghi dấu những tháng ngày chán nản. Cô bắt đầu khóc.
– Ô, đừng tranh đấu nữa, anh ơi. Chúng ta sống chung đi, mình không thể tiếp tục như thế này. Em không chịu được.
Anh sửng sốt và trong một chốc, chỉ ôm chặt lấy nàng và trấn an bằng lời âu yếm. Nàng nói tiếp.
– Hai chúng mình mệt mỏi và đuối sức rồi, chẳng còn sợ gì nữa. Chúng ta phải có đời của mình lúc mình còn trẻ.  Anh không thấy là mình đang phí đời của mình sao ? Để làm gì ? Chỉ vì chuyện không dễ và anh kiêu hãnh quá.
Anh ráng giữ giọng ôn tồn.
– Nào, Molly, em không thể gọi đó là lòng kiêu hãnh vì anh không muốn ràng buộc em vào với anh khi chưa tìm ra cách sinh sống. Nó chỉ là xử sự đàng hoàng thôi.
– Em cóc cần anh cho đó là gì. Em chỉ biết chúng ta điên rồ khi cứ tiếp tục như thế này.
Cả đêm suy nghĩ, tới sáng anh mới quyết định rằng ít nhất lúc nay, trong túi có đủ để trả tiền linh mục làm lễ cưới, và trả được tiền phòng vài tuần, nhờ lòng tốt của Chris Goerstch. Sau đó anh sẽ tìm được việc chi đó. Anh và Molly sẽ có nhau, và chắc chắn điều ấy sẽ mang lại may mắn.
Thế nên anh trấn an mình, nhưng thấy bị bẽ mặt và xấu hổ. Anh biết mình không làm tròn vai trò của người đàn ông.
Molly thì yêu anh quá và chẳng màng.

 

CHƯƠNG  XXXIV

Sau khi chiến tranh đã chấm dứt một thời gian Carol Leslie mới xong việc để hồi hương; nay cô đang thu xếp để trở về. Sau rốt, khi cùng với những điều dưỡng viên khác được đưa về, cô lên tầu với tâm hồn trĩu nặng. Mọi hy vọng của cô nằm chôn vùi trong cánh đồng ở Pháp, có cây thánh giá mầu trắng đánh dấu nơi này.
Carol không buồn lòng, trái lại cô thấy rộn rã cho dù trong tâm cảm thấy sự trì kéo. Cô đang quay về nhà, nơi có bạn bè thân yêu sẽ chào đón cô. Người ta sẽ bầy tỏ sự tiếc thương về cái chết của Gordon, có thể họ lại còn xử sự như thể cô đã thành góa phụ. Việc làm của cô ở Pháp sẽ được ngợi khen và cô sẽ có một chỗ danh dự trong thành phố nhỏ của mình.
Cô tạ ơn Trời về những điều này. Tuy nhiên cô cũng biết mình không thể ở lại nhà. Về thăm gia đình, gặp gỡ mọi người, rồi cô phải đi xa nơi đó. Ở lại nơi mà tên Gordon được nhắc nhở sẽ còn làm cô đau lòng xót xa. Dự định của cô là trở lên New York, vào làm trong bệnh viện cho cựu chiến binh, và cô đã nộp đơn xin một chỗ làm ở đấy.
Buổi tối khi đi dạo trên boong tầu, dưới ánh sao, cô cảm thấy bớt cô đơn hơn là khi có những người khác quây quần chung quanh. Ấy là lúc cô có thể suy nghĩ về Gordon, và tưởng tượng là anh ở bên cạnh cô, hai người tỏ tình yêu của mình với nhau và chỉ có trời đêm làm chứng.
Đôi khi Carol tưởng tượng Gordon nói với mình, làm như cô cảm nhận hơn là nghe được giọng nói của anh. Rồi cô biết là thần kinh mình đã làm cho cô có hoang tưởng nên gạt ý nghĩ ấy khỏi tâm trí mình. Cô lý luận rằng thực sự không có lý do gì để có những ấn tượng bất ngờ ấy; tuy nhiên mỗi khi chỉ có một mình cô luôn luôn có cảm giác thật rõ rệt tuy nhẹ nhàng là có sự hiện diện ở gần bên. Điều này xẩy ra rất thường.
Tâm trạng mệt mỏi biết bao ! Cô quyết định là phải nghỉ ngơi cho khoẻ. Cô sẽ ngủ càng nhiều càng tốt và sẽ trở lại tình trạng bình thường, là có sức khoẻ lành mạnh.
Rồi lại tới lúc cô quên đi không để ý và có cảm giác là gần như có thể thấy ai đó bên cạnh mình. Trong những giây phút ấy đôi khi Carol kêu lên thảng thốt 'Gordon !' Nó làm cô chợt tỉnh và kinh hoảng là mình mê hoặc như vậy.
Chuyện mà cô rất ao ước là có thay đổi hoàn toàn: không còn phải mặc đồng phục, và nhập hẳn vào xã hội những người trò chuyện về các điều mà cô yêu thích như sách vở, âm nhạc, nghệ thuật. Cô không màng việc chuyện trò nhảm nhí, nhưng cô luôn luôn là kẻ ưa thích mỹ thuật. Có lẽ nếu cô có thể đắm mình lần nữa vào những mỹ lệ do óc tưởng tượng của các bậc thiên tài sáng tạo hiếm hoi, không chừng cô hồi phục được tâm trí mình và thoát được các mê hoặc lạ lùng ấy.
Carol thấy hạnh phúc trong những giây phút thoảng qua đó, mà khi nghĩ tới nó thì cô kinh sợ. Cô lo ngại mình rồi sẽ đi cùng đường như anh chàng đáng thương Flanagan, có lẽ giờ này đã ở trong nhà thương điên nào đó rồi.
Kế tiếp, Carol gặp một kinh nghiệm gây căng thẳng nhất trong chuyến hải hành. Cô đang ngồi bên cạnh một nữ điều dưỡng khác, cả hai nằm trong ghế trên boong tầu và yên lặng. Carol không ngủ hẳn mà cũng không tỉnh thức hoàn toàn. Cô chợt thấy rõ rệt hình ảnh Gordon mặc quân phục đứng trước mắt, nói với nụ cười cố hữu của anh:
– Chót hết thì chúng mình hồi hương.
Carol kinh ngạc quá không trả lời được, và khi gắng gượng lên tiếng thì Gordon đã biến mất.
(còn tiếp).